(DNTO) – Luật sư Phạm Thành Long, Công ty Luật Gia Phạm chỉ ra những nguyên nhân gây nên sự thất bại mà các start-up hay gặp phải. Đó là những ngộ nhận về trình độ chuyên môn, cũng như sự không rạch ròi giữa khái niệm người làm kinh doanh với chuyên gia của một lĩnh vực nào đó.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sống sót được qua qua 5 năm chỉ chiếm tỉ lệ là 20%.
Là người truyền lửa cho hàng nghìn học viên đang ấp ủ đam mê khởi nghiệp, cũng như giúp cho hàng ngàn chủ doanh nghiệp, nhà quản lý đưa ra được những định hướng kinh doanh hiệu quả và giúp cho họ thành công trong sự nghiệp kinh doanh của mình, Luật sư Phạm Thành Long rất hiểu nguyên nhân khiến các start-up thất bại và chỉ ra đường con đường mà họ sẽ đi đến thành công.
Luật sư Long cho rằng, nguyên nhân thất bại của các start-up chính là việc họ luôn đi theo “mô tip” học ngành gì thì ra khởi nghiệp ngành đó. Hoặc làm cho doanh nghiệp nào, khi tách ra hoặc nghỉ việc lại làm đúng lĩnh vực đó.
Ông Long dẫn chứng: “Bác sĩ nha khoa ra mở công ty nha khoa là thất bại. Vì bác sĩ nha khoa chỉ là người giỏi điều trị về răng, chứ không phải là người giỏi về kinh doanh ở lĩnh vực này. Vì anh không được học về kinh doanh, không học về việc vận hành công ty, tổ chức con người… nên thất bại là đương nhiên. Đừng nghĩ học ngành nghề gì ra sẽ khởi nghiệp kinh doanh ngành nghề đó là thành công. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa chuyên gia và người làm kinh doanh. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác”.
Cũng theo ông Long, vấn đề thứ hai mà những người muốn khởi nghiệp hay gặp phải, đó là họ đi làm thuê cho ai đó, về sau lại trở thành chuyên gia cho một doanh nghiệp hoặc một lĩnh vực nào đó. Trong quá trình làm, họ thấy ông chủ không ổn, chưa tốt như họ nghĩ, nên đã bước ra kinh doanh riêng đúng ngành nghề mà họ đang đi làm thuê. Và như thế sẽ gánh lấy sự thất bại. Vì ông chủ dạy cho họ trở thành chuyên gia, và họ chỉ đang làm việc chuyên môn, thực tế còn rất nhiều bí mật kinh doanh đằng sau mà ông chủ chưa nói, và cũng có nhiều thứ mà họ chưa có điều kiện tiếp cận.
“Và hai “ngộ nhận” này sẽ dẫn đến tỉ lệ thất bại rất cao đối với người khởi nghiệp. Trong thực tế, câu chuyện khởi nghiệp và mở công ty diễn ra hàng ngày. Nhưng để công ty sống sót được qua qua 5 năm thì tỉ lệ thống kê chỉ là 20%. Quy tắc này bình thường trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam”, ông Long cho hay.
Vậy thất bại ở đây là gì? Theo ông Long, ngoài hai nguyên nhân ngộ nhận trên, một nguyên nhân nữa gây thất bại là khi các start-up chỉ quan tâm đến sản phẩm, tập trung vào ngành kinh doanh mà không tập trung vào đối tượng phục vụ, đối tượng khách hàng cụ thể. Ông Long cho rằng, việc tập trung vào đối tượng khách hàng cụ thể là con đường giúp tăng tỉ lệ sống sót của doanh nghiệp lên rất cao.
“Như vậy, các sản phẩm được chế tạo ra, sản phẩm được tìm ra, hay các sản phẩm được nghiên cứu ra cũng phải được phục vụ nhu cầu cụ thể. Đó là nguyên tắc đem tới sự thành công. Nếu thiếu điều này, thành công chỉ là may mắn”, ông Long nhấn mạnh.
Vị Luật sư này cũng tư vấn thêm, để xây dựng một doanh nghiệp, không phải chúng ta đi tìm sản phẩm, mà phải bắt đầu từ thị trường, phải xây dựng được thị trường ngách. Sau đó, xem tài năng của mình có gì thì gắn vào thị trường đã chọn. Ví dụ, bạn rất giỏi về chứng khoán, mà hiện nhiều nhà đầu tư muốn học về chứng khoán, thì bạn sẽ dạy về chứng khoán. Và đây sẽ được gọi là thị trường ngách để bạn có thể định vị được thị trường của mình. Và đây sẽ là bước quyết định thành bại của những người muốn khởi nghiệp nhưng không có tiền, không có quan hệ…”, ông Long tư vấn.
Bước hai, theo ông Long, start-up phải xác định trong thị trường đó có đối thủ nào đang làm, xem đối thủ đó có đủ mạnh để bạn quyết định tham gia vào để chiến đấu với họ. Nếu họ quá mạnh thì bạn nên tìm thị trường mới, đừng va đầu vào đá để bảo toàn lực lượng. Dùng tiền đó để phát triển kinh doanh chứ đừng đánh nhau với đối thủ.
“Bước thứ ba, lúc này bạn phải đi tìm vấn đề của thị trường. Bước 4 là đi tìm sản phẩm, dịch vụ để giải quyết nhu cầu thị trường…”, Luật sư Phạm Thành Long đưa ra lời khuyên.
Theo doanhnhantrevietnam.vn